Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc ở các địa phương đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đứng trước xu thế hội nhập, giao thoa giữa văn hóa, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc dần bị xói mòn trầm trọng.
Nguy cơ mai một
Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Thị Tấc, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu cho biết: “Nếu chúng ta không có biện pháp nhanh chóng để bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số thì chúng ta sẽ hối tiếc, vì những cái hay, nét đẹp sẽ bị chôn vùi vào lòng đất. Những cụ già hiểu biết được văn hóa của dân tộc mình thì không biết nói tiếng phổ thông hoặc sắp chết, lớp trẻ lại không chịu học giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Các cấp chính quyền mới chỉ quan tâm tới việc phát triển kinh tế – xã hội, ít chú ý tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xuyên suốt và là bài học kinh nghiệm, vì nó là cội nguồn, gốc rễ của mọi sự phát triển mà chúng ta cần tôn trọng, nâng niu”.
Điều đáng quan tâm là bộ phận thanh, thiếu niên – những người đóng vai trò quyết định đến sự tồn vong văn hóa của mỗi tộc người – lại thích những yếu tố văn hóa mới, những bài nhạc trẻ, nhạc sàn, những điệu nhảy bốc lửa, những bộ váy đầm ngắn… Những cái hay dần bị mất đi, những hủ tục lạc hậu lại tồn đọng như: Hôn nhân cận huyết, nạn tảo hôn và đặc biệt là tệ nạn uống rượu, đẻ nhiều…
Tại một bản người Mảng ở tỉnh Lai Châu, các cô gái tuổi 15-20 đua nhau mặc váy xòe, quần din, áo ngắn, tay cầm điện thoại nghe những bài nhạc trẻ. Đây là một tộc người trình độ phát triển kém, lạc hậu và nghèo đói. Có nhà mua đến hai chiếc xe máy mà trong nhà không có thứ gì đáng giá, mâm cơm chỉ có ít măng rừng nấu nổi lềnh phềnh nước và mấy con cá khô mua ngoài quán nhưng không thể thiếu rượu trong bữa ăn. Hỏi ra mới biết bản này vừa được đền bù đất khi dự án mở đường đi qua. Người Mảng ở đây không còn tổ chức cúng bản, cúng hồn lúa hay cúng lên nhà mới nữa, nếu có làm cũng chỉ qua loa, cơ bản là mổ gà, mổ lợn để có cơ hội uống rượu.
Nghệ nhân Lò Văn Sơi, dân tộc Thái ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: “Văn hóa dân tộc Thái ở đây bị mai một rất nhiều, các lễ hội như lễ xuống đồng, hội xòe, lễ Chiêng xoong… đang đứng trước nguy cơ biến mất. Lớp trẻ không biết hát những bài hát dân ca, dân vũ của dân tộc mình, vì vậy chính quyền cần sớm có chính sách nhằm bảo tồn văn hóa của dân tộc một cách bền vững và hiệu quả”.
Một nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng trên là công tác tổ chức tái định cư cho các bản bị sạt lở, phải di dời bởi công trình thủy điện. Lên điểm mới, không gian văn hóa bị phá vỡ, những bản tái định cư thủy điện được đền bù nhiều tiền, người dân lo mua sắm, ăn chơi, dễ sa vào tệ nạn.
Chính sách bảo tồn
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các tỉnh vùng Tây Bắc đã cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể, quan tâm công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, công tác giữ gìn phát huy vốn văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của các địa phương đã có những biến chuyển tích cực. Lễ hội của các dân tộc được khôi phục và duy trì đều đặn hàng năm, các đề án và dự án khoa học về văn hóa cấp tỉnh, cấp nhà nước bảo tồn không gian văn hóa được triển khai tăng về số lượng, chất lượng của công trình, phổ biến rộng rãi.
Ông Phạm Văn Hưng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Tại Điện Biên, hiện nay, hầu hết các bản, tổ dân phố đều có đội văn nghệ, có nhà văn hóa và trang bị hệ thống loa đài phục vụ cho những buổi sinh hoạt cộng đồng thôn bản. Tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các xã, các huyện. Qua các cuộc thi, qua việc trình diễn các bài hát dân ca, điệu múa cổ truyền thống các lễ hội dân gian, các trò chơi thể thao dân tộc như: Ném pao, ném còn, đẩy gậy, đánh cù, giã bánh dày, chơi đu, thi leo cây… các địa phương đã được giao lưu và học hỏi lẫn nhau.
Đồng thời, Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch của các tỉnh Tây Bắc mỗi năm tổ chức một lần, luân phiên giữa các tỉnh cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người dân tộc thiểu số thể hiện tài năng và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình trước các dân tộc khác. Quan trọng hơn cả là họ đã thổi vào lớp trẻ hôm nay lòng tự hào, tự tôn dân tộc để từ đó lớp trẻ sẽ tìm tòi học hỏi từ thế hệ đi trước những tinh hoa văn hóa để truyền lại cho lớp con cháu mai sau.
Nghệ nhân đàn tính tảu Nông Văn Nhay, dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho rằng: “Nhà nước đầu tư khôi phục các lễ, hội cho bà con dân tộc thiểu số là điều rất quý như: Lễ hội Nàng Han, lễ ăn cốm mới, lễ Kim Pang Then của người Thái, lễ Tủ Cải của người Dao, lễ Gầu Tào của người Mông, tục xăm cằm của người Mảng và các ngày hội các dân tộc khác. Nhưng lễ hội này, không còn mang ý nghĩa cộng đồng, vì do chính quyền đứng ra tổ chức trong một thời gian nhất định.
Ngày xưa, người dân tự góp công, góp của để tổ chức hội. Lễ hội kéo dài mấy ngày, ngoài phần lễ mọi người đến dự nghiêm túc thì phần hội cũng rất vui. Họ ca hát, chúc tụng nhau và tổ chức các trò chơi truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ chính quyền nên trả các lễ hội về đúng vị trí của nó, của dân và do dân thực hiện, như vậy mới phát huy được giá trị truyền thống và nét đặc sắc của mỗi dân tộc”.