Mù Cang Chải mùa lúa chín

mu cang chai - Mù Cang Chải mùa lúa chín

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội chừng 300 km về phía Tây Bắc. Những năm gần đây, địa danh Mù Căng Chải đã trở thành “thương hiệu” du lịch nổi tiếng với khách trong và ngoài nước, nhất là vào mùa lúa chín (tháng 9, 10).

CôngThương – Lên Mù Cang Chải, du khách sẽ rất ngạc nhiên vì giữa vùng thâm sơn cùng cốc lại có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đến mê lòng. Ruộng bậc thang có ở hầu hết các xã nhưng đẹp nhất là ở La Pán Tẩn, Chế Ca Nha và Cao Pa. Trên độ cao gần 2.000m, bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc… người H’Mông đã tạo nên những thửa ruộng có khi chỉ vài mét vuông, cũng có thửa vài chục mét vuông ôm theo các triền núi, bởi nơi đây không có cánh đồng lòng chảo như Mường Lò (Nghĩa Lộ)… nên từ bao đời nay, bà con vẫn bám lấy đồi, rừng, núi và be bờ, tạo ruộng trên những triền núi để trồng lúa nước. Cứ thế, ruộng nối ruộng, từ đỉnh núi xuống tận chân núi, đã vô tình tạo nên những bậc thang kì vĩ ngày nay.

mu cang chai - Mù Cang Chải mùa lúa chín

Để có công trình hoàn mỹ làm mê đắm khách du lịch, người H’Mông phải mất rất nhiều công sức. Trước khi khai khẩn, chủ ruộng phải chọn đất. Đất được chọn phải có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít cây to, cỏ mọc dầy và tốt, ít sỏi đá, rồi trồng một cột đá khoảng 1m hoặc chôn một cây gỗ lớn để làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn. Sau đó, theo tập quán của người H’Mông, họ mời thầy mo đến cúng để cầu gió thuận mưa hòa, mong sự may mắn cho các vụ mùa tốt tươi.

Do độ dốc lớn, ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp (chỉ vài đường bừa), độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ 1 – 1,5 m, mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì cả thửa ruộng (một bậc thang) đều cân bằng. Bởi vậy, khi san ruộng, người H’Mông dùng cuốc cào thành bờ, dùng chân giẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh nén chặt bờ ruộng. Các điểm đón nước cho ruộng được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu phải đi qua điểm trũng thì dùng cây to chẻ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước; nếu đi qua đường thì xếp đá tạo mặt bằng cho giao thông còn nước len lỏi phía dưới, tạo hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cho việc canh tác… Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp từ khi người H’Mông phác thảo vào núi những nét vẽ cong quanh lóng lánh nước. Những thửa ruộng này càng đẹp hơn khi vào mùa lúa chín, khi hương sắc của “biển vàng” cuồn cuộn tỏa hương khắp núi rừng. Bởi vậy, những năm gần đây, địa danh Mù Cang Chải trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn với khách du lịch trong và ngoài nước. Du khách nước ngoài và các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Việt kiều… lặn lội lên Yên Bái để ngắm ruộng bậc thang, hít thở không khí trong lành, ghi lại những hình ảnh đẹp say đắm lòng người. Càng lên cao, du khách càng thú vị bởi Mù Cang Chải không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của đất, của lúa mà trên mảnh đất này ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người H’Mông, trong sự mến khách của đồng bào.

Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200 ha ruộng bậc thang. Hiện những ruộng bậc thang này được giữ gìn nguyên vẹn. Năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 500 ha của 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất của đất nước Việt Nam và xếp hạng di tích quốc gia. Để thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải, điều quan tâm là làm sao quy hoạch, bảo tồn, làm đẹp thêm những vùng ruộng bậc thang, gắn nét đặc trưng này vào tổng thể thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ của vùng đất nơi đây cùng những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của các dân tộc.

Bài viết liên quan

Xem thêm:  Thịt lợn gác bếp một sản phẩm được rất nhiều khách hàng lựa chọn và tin dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *