Tây Bắc là vùng đất đầy hứa hẹn đối với dân thích “xê dịch”. Vùng đất làm mê hoặc lòng người bằng những cách đồng hoa tam giác mạch, những cung đèo bất tận và cũng là thiên đường của những kẻ thích thưởng thức món ngon độc đáo như lạp xưởng gác bếp.
Vượt qua quãng đường dài để đến với vùng cao Tây Bắc dưới tiết trời lạnh thấu xương, chẳng mong gì hơn được hơ mình bếp lửa ấm áp với bát rượu ngô cay nồng và một chút lạp xưởng gác bếp thơm lừng. Mọi mệt mỏi cũng dường như tan biến.
Đến với nơi đây, du khách vô cùng thích thú với hình ảnh trước những ngôi nhà trình tường cổ kính luôn có những chùm “bóng bay” bằng lòng non, óng ánh trong cái nắng chiều vùng cao. Những chùm “bóng bay” này là nguyên liệu không thể thiếu của món lạp xưởng gác bếp độc đáo nơi đây.
Lạp xưởng gác bếp nướng trên than hồng làm ấm lòng du khách
Món ăn này thường được người Tây Bắc làm để ăn quanh năm. Đến nhà nào cũng thấy lủng liểng trên chái bếp những khúc lạp xưởng ngon lành, thơm mùi khói. Mỗi dịp Tết đến, hai, ba nhà lại rủ nhau mổ lợn lấy thịt và lòng non để làm lạp xưởng, bởi Tết mà thiếu đi món này thì coi như không trọn vẹn, mất đi hương vị truyền thống của dân tộc.
Đến đây vào những ngày đầu xuân, du khách có thể dễ dàng thấy cái nhộn nhịp của không khí xuân vùng cao. Những con lợn đen trông đến ngỗ nghĩnh, chạy khắp bản. Đây là giống lợn khá phổ biển ở vùng Tây Bắc, hầu như gia đình nào cũng có. Người dân nơi đây không nhốt chúng trong chuồng mà thả cho chúng tự do kiếm thức ăn. Chạy nhiều, ăn cây cỏ tự nhiên nên thịt của lợn đen rất thơm ngon.
Gian bếp người dân tộc vùng Tây Bắc bao giờ cũng có từng chùm lạp xưởng
Lạp xưởng gác bếp Tây Bắc được làm từ thịt của giống lợn này nên hương vị cũng đặc biệt, ít nơi nào có được. Phần thịt để làm lạp xưởng gác bếp thường là thịt vai có cả nạc cả mỡ. Thịt này được băm nhỏ, tẩm ướp gia vị, hành băm phi thơm, đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén cùng chút rượu tạo mùi thơm khác biệt. Lòng non để làm vỏ lạp xưởng cũng phải rửa thật bằng rượu trắng, vừa sạch vừa thơm.
Người ta sẽ nhồi thật chặt ruột nhân thịt vào ruột, sao cho miếng lạp xưởng tròn đều và căng mượt, cứ nhồi được một đoạn lại dùng lạt buộc. Lạp xưởng nhồi căng, đem phơi nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp. Từng chiếc lạp xưởng được khói mới cứ thế đỏ hồng lên. Có một số vùng còn dùng bã mía hun cùng củi, khi ăn sẽ thấy mùi thơm vừa quen vừa lạ.
Lạp xưởng được hơi lửa, khô dần
Cùng với các loại thịt khô gác bếp thì món lạp xưởng treo gác bếp giúp cho bữa cơm của đồng bào vùng cao Tây Bắc luôn được đảm bảo dù cho điều kiện thời tiết có khắc nghiệt. Những ngày đi rừng dài ngày, những buổi trưa trên nương hay khi trong nhà đã hết thức ăn thì chỉ cần chút lạp xưởng ăn với xôi nếp nương là đã thấy ngon lắm rồi.
Đến Tây Bắc, thích nhất là trong tiết trời se lạnh, ngoài trời mua phùn lắc rắc được ngồi trong những ngôi nhà cổ kính, bên bếp lửa hồng nhâm nhi vài miếng lạp xưởng gác bếp rồi nghe các cụ già dân tộc kể chuyện. Từng miếng lạp xưởng thơm nồng mùi khói càng ăn càng ngon, từng câu truyện huyền bí, càng nghe càng thấy thú vị.
Một món ngon nên thử khi đến Tây Bắc
Lạp xưởng ở miền xuôi không thiếu, nhưng ăn mãi vẫn không tìm được vị thơm, ngậy cùng mùi khói đặc biệt của món lạp xưởng gác bếp dân tộc của vùng cao Tây Bắc. Thế nên đã ăn là nghiền, mà đã nghiền là phải tìm bằng được để ăn cho “đã”. Sợ nhất là lúc thèm mà lại không tìm được đúng vị lạp xưởng gác bếp vẫn ăn. May nhất là lạp xưởng này mua nhiều về bảo quản trong tủ lạnh ăn vẫn ngon lắm. Mỗi lần muốn ăn chỉ cần bỏ ra rán lại vài phút là mềm ngon và “tốn cơm” phải biết.
Mỗi ngôi nhà trên những cung đường Tây Bắc sẽ cho bạn trải nghiệm riêng về hương vị lạp xưởng gác bếp. Đó là điều tuyệt vời nhất đối với những bước chân thích khám phá cái lạ. Những miếng lạp xưởng thơm lừng, những bát rượu ngô cay nồng, đó chắc chắn là những điều không thể nào quên trong hành trình đến với Tây Bắc.
Dân Hà