Sáng mãi tinh thần Điện Biên

tinh than dien bien - Sáng mãi tinh thần Điện Biên

60 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ngày 7-5-1954, Điện Biên hôm nay đã mang một bộ mặt mới. Một Điện Biên được xây đắp nên từ bao máu xương của thế hệ cha anh đi trước.

Một Điện Biên thể hiện ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc miền Tây Bắc của Tổ quốc. Điện Biên đang tiến những bước vững vàng, hướng về tương lai…

Quá khứ hòa quyện hiện tại

Suốt những ngày tháng tư, con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rợp trời sắc đỏ bởi cờ, hoa, phượng hồng cùng sắc tím mộng mơ của hoa bằng lăng đang kỳ nở rộ. Như một sự tri ân, tuyến đường mang tên người cầm quân tài ba cách đây sáu thập kỷ, nay là con đường đẹp nhất ở thành phố Điện Biên Phủ. Hai tháng qua, cả thành phố bé nhỏ, bình yên trở nên náo nhiệt lạ thường bởi hàng nghìn đoàn khách trong nước và quốc tế. Cũng bởi sự xuất hiện đông đảo của lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành mừng Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng, khiến lượng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn trở nên quá tải. Mặc dù, trước đó không lâu, hàng chục khách sạn với đầy đủ tiện nghi hiện đại vừa khánh thành, sẵn sàng đón tiếp một lượng khách kỷ lục, nhưng xem ra "cung không đủ cầu".

tinh than dien bien - Sáng mãi tinh thần Điện Biên

Chúng tôi may mắn gặp ông Lò Văn É, 88 tuổi ở bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên với gương mặt rạng rỡ, hồ hởi trò chuyện với mọi người, cùng chung vui dịp lễ trọng đại này. Thủng thẳng, ông É kể: "Xưa bản mình khác lắm, không nhận ra chỗ mình đứng bây giờ là ở đâu. Máy bay chạy đi chạy lại trên trời, thả xuống đủ thứ: người tây, súng ống, bom đạn, xe tăng, khiến bản mình tan hoang, xơ xác. Cây cỏ cũng không mọc nổi đừng nói đến lúa, hoa màu. Trâu bò bị bắn làm thức ăn cho giặc Pháp, nhà cửa bị đốt phá. Khổ lắm. Sau ngày chiến thắng, dân làng chạy từ các hướng về bản, ôm nhau khóc giữa ngổn ngang đổ nát. Ngày ấy, bản Pa Pe chỉ còn sót lại sáu hộ xác xơ, nay có hơn 30 hộ rồi cơ đấy. Giờ thì dân bản mình no ấm, văn minh nhờ có điện, có nước sạch. Thành phố Điện Biên Phủ ngày càng đàng hoàng, to đẹp, dân bản mình tự hào lây. Mình thấy không gì sung sướng bằng".

Rời thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi thăm bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nơi có tượng đài "Hận thù Noong Nhai" sừng sững giữa đất trời như một lời nhắc nhở mọi người không quên quá khứ bi thương. Ngày 25-4-1954, khi thất thế trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã ném bom xuống bản Noong Nhai, sát hại 444 người chủ yếu là trẻ em, người già và phụ nữ. Sau gần ba mươi năm đổi mới, hầu hết các gia đình ở Noong Nhai đã biết kết hợp sản xuất chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, mỗi năm cho thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng. Bí quyết để có được sự thành công ấy, theo Bí thư chi bộ bản Noong Nhai Lò Văn Bun, đó là: "Vai trò đầu tàu gương mẫu của từng đảng viên, nhất là trong lao động sản xuất, kế hoạch hóa gia đình và mọi công tác văn hóa xã hội". Noong Nhai ngày mới với hơn tám chục nóc nhà, bao bọc bởi những cánh đồng lúa chuẩn bị vào mùa thu hoạch, báo hiệu một mùa vàng bội thu, góp phần đưa thương hiệu gạo Điện Biên tỏa hương khắp mọi miền đất nước. Giờ đây, người dân tự hào vì con em mình không còn thất học mà còn đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng. Người dân cần cù, chịu khó, hăng say sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, hòa nhịp chung trong sự phát triển của mảnh đất lịch sử anh hùng…

Xem thêm:  Top 19 Bài thơ hay của nhà thơ Đặng Quốc Khanh

Không xa Noong Nhai, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên), một trong 18 bản văn hóa cấp tỉnh luôn thu hút du khách. Kể từ sau đại lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh rốt ráo thành lập các bản văn hóa, phát triển du lịch. Chúng tôi đến bản vào lúc hai giờ chiều, đã thấy trên khoảng sân rộng trước nhà sàn văn hóa, điểm hẹn của du khách mỗi khi tới đây, tấp nập các bà, các chị cùng trai tráng "tay dao, tay thớt" chuẩn bị cỗ cho đêm múa xòe, phục vụ hơn 200 du khách. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Nưa Nguyễn Thị Lành hồ hởi cho biết: "Mỗi năm bản tiếp đón khoảng hơn năm nghìn lượt du khách. Năm sau đông hơn năm trước. Đợt kỷ niệm này, dự kiến lượng du khách tăng gấp đôi. Có khoảng hai chục gia đình hội viên tham gia phục vụ khách lưu trú. Ngoài giáo dục hội viên tích cực tham gia lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hưởng ứng cuộc vận động "năm không, ba sạch" giữ gìn vệ sinh môi trường, chúng tôi chú trọng giáo dục truyền thống, thành lập hợp tác xã thổ cẩm, vừa tạo các sản phẩm du lịch, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu khoai Thanh Nưa, nức tiếng cả vùng. Nhiều gia đình thu nhập 40 đến 60 triệu đồng từ trồng khoai. Bộ mặt thôn bản đổi thay rõ rệt".

Màn đêm vừa buông, cũng là lúc du khách ngồi chật cả sân, trên nhà sàn. Bản Mển giờ đây ăm ắp rượu nồng, rực rỡ xòe hoa và những món ăn mang đậm chất văn hóa ẩm thực Thái: nộm hoa chuối rừng, nộm hoa đu đủ đực, rêu suối, măng rừng, xôi nếp dẻo thơm, thịt trâu hun khói, thịt trộn lá chua, cá nướng… Chủ và khách dường như không còn khoảng cách. Những người phụ nữ Thái ban ngày lao động chân tay, ban đêm khoác lên người bộ quần áo cóm đẹp nhất, thắt đáy lưng ong, những bước chân uyển chuyển, dịu dàng, mộc mạc nhưng sao lại tinh tế, làm đắm say lòng du khách đến thế.

Xem thêm:  Một ngày ở Phiêng Lơi

Vững bước đi lên

Một thời đạn bom đã xa mà công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ở vùng Tây Bắc nổi danh này vẫn chưa thoát khỏi những gian lao, thử thách to như quả núi bởi địa hình xa xôi cách trở, dân trí thấp. Thế nhưng, trong mỗi huyết quản người dân nơi đây, chúng tôi đều cảm nhận được sự tự hào riêng có. Đó là niềm vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ, phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, một trong 10 di tích đặc biệt của cả nước được công nhận đầu tiên. Đến nay, tỉnh Điện Biên có bảy di tích cấp quốc gia cùng nhiều thôn, bản văn hóa lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thu được những kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 -2011 là 11,62%. Năm 2013 đạt 8,55%. Sản lượng lương thực năm 2013 đạt hơn 23 vạn tấn, bình quân lương thực đạt hơn 420 kg/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường đầu tư, góp phần làm cho bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay nhanh chóng. Gần 90% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 126/130 xã có điện lưới quốc gia. Các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch phát triển nhanh cả về quy mô và mạng lưới, ước đạt 400 tỷ đồng, tăng gần gấp ba lần so với năm 2010. Đặc biệt là du lịch lịch sử, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan. Chương trình trồng cây công nghiệp, rà soát việc giao đất giao rừng được đẩy mạnh, chú trọng việc gắn kết tìm đầu ra cho nông dân. Từ năm 2011 đến nay, diện tích cao-su, cà-phê, chè ngày càng nhân rộng. Lãnh đạo tỉnh vào tận Tây Nguyên mời các doanh nghiệp chế biến cà-phê lên Điện Biên xây dựng cơ sở chế biến cà-phê. Tỉnh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam thành lập Công ty cao-su Điện Biên, tạo việc làm cho khoảng năm nghìn hộ dân với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, góp phần đưa gần ba nghìn hộ dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,18%. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã giảm 5,82%. Đó quả thật là những thành quả đáng khích lệ ở nơi vùng núi non nhiều gian khó.

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, cùng với niềm vui thắng lợi, tin tưởng vào những nhân tố mới mẻ, tốt tươi đang ngày càng nở rộ, nhưng Đảng bộ và nhân dân Điện Biên trăn trở khi còn đó những hạn chế, bất cập: địa hình xa xôi, chia cắt phức tạp, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, nghèo tài nguyên thiên nhiên. Nguồn lực và thu hút đầu tư không đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, kéo theo tốc độ, trình độ phát triển của Điện Biên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng còn khó khăn. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa còn hạn chế nhiều mặt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng chưa đồng đều. Đó là những thách thức lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên phải ra sức phấn đấu, với ý chí, tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Xem thêm:  Hấp dẫn lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lào Cai

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: "Thời gian tới, tỉnh xác định tập trung thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp gắn với chế biến các loại sản phẩm chè, cà-phê, cao-su, mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đậu tương, bông… Tăng cường quản lý, bảo vệ vùng rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng phục vụ các công trình thủy điện, phát triển du lịch, dịch vụ… Chú trọng quảng bá hoạt động du lịch, nhất là lĩnh vực văn hóa – lịch sử, từng bước đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Tỉnh ủy Điện Biên đã phát động cuộc thi đua về đích sớm một năm, theo tinh thần tư tưởng chỉ đạo "Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm".

Một Điện Biên sau 60 năm vẫn bộn bề gian khó, nhưng tinh thần Điện Biên kiên cường, bất khuất vẫn còn mãi với thời gian. Những gì đã thấy, đã nghe nơi đây cho ta niềm tin, Điện Biên Phủ huyền thoại, anh hùng đang vươn lên trong ngày mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *