Nếu ai đã từng một lần đến vùng cao Tây Bắc, hẳn không thể quên được những phiên chợ. Đến chợ phiên “Sắc màu Tây Bắc” của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đúng vào Tuần Văn hóa Thể thao và Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2013. Bạn không chỉ được trải nghiệm, ngắm nhìn và nếm thử nhiều sản vật đặc trưng nơi đây mà còn được giao lưu, tiếp xúc và tìm hiểu nhiều nét văn hóa độc đáo vùng cao Tây Bắc.
Đối với du khách phương xa, những nét độc đáo của chợ phiên khiến họ không thể không dừng lại, ghé vào uống một bát rượu nếp nương hay ngắm nhìn những cô gái Mông trong bộ váy thổ cẩm như những con bướm đầy màu sắc rập rờn bay lượn.
Nét văn hóa đặc trưng
Chợ phiên là trao đổi hàng hóa và giao lưu gặp gỡ về văn hóa giữa các dân tộc ở địa phương. Chợ phiên “Sắc màu Tây Bắc” với sự tham gia của 13 xã trong huyện Mù Cang Chải được chia ra những gian hàng nhỏ mang tính đặc trưng: Xã Kim Nọi với đặc sản rượu nếp cẩm, rượu táo mèo ngâm; xã Chế Cu Nha, xã Lao Chải, xã Khao Mang, xã Mồ Dề, xã Nậm Khát, xã Lao Phạ với những chiếc váy Mông, váy Thái được dệt tinh xảo; xã La Pán Tẩn với đặc sản rượu thóc…
Theo chị Sùng Thị Mai (cán bộ Lao động xã hội xã Khao Mang) giá của các sản phẩm dệt thổ cẩm ở chợ phiên khá đắt, một bộ váy Mông hay váy Thái có giá từ 2 triệu đến 2 triệu rưỡi. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhân dân địa phương đến mua những sản phẩm này bởi hầu hết con gái Mông, con gái Thái đều biết dệt vải, may váy cho mình. Một bộ váy Mông đẹp có thể mất một năm để hoàn thành, nếu ai khéo tay, làm nhanh cũng mất ít nhất 4 tháng để có một bộ váy hoàn chỉnh.
Những lọ rượu táo mèo ngâm, rượu nếp cẩm trong chợ phiên có giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Vì được làm từ những sản phẩm thiên nhiên tươi ngon nên các loại rượu này có hương vị khá đặc biệt.
Hầu hết các sản phẩm trong chợ phiên “Sắc màu Tây Bắc” đều do nhân dân tự làm nên rất tinh xảo, đẹp mắt. Tất cả những sản phẩm địa phương được bày bán ở chợ đều là kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao; đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Người ta đến chợ với rất nhiều lý do, không hẳn là có nhu cầu mua bán mà họ coi đó là nơi hẹn hò tốt nhất để nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau những ngày lao động vất vả.
Khách du lịch “say” chợ phiên
Chợ phiên một năm mới được tổ chức một lần ở Mù Cang Chải vào đúng dịp lễ hội nên năm nào có lễ hội, năm ấy chợ phiên đông vui.
Người dân địa phương ở các xã trong huyện Mù Cang Chải từ khắp nơi đổ về thị trấn để “chơi” chợ phiên. Nói là “chơi” chợ phiên bởi lẽ, hầu hết người dân địa phương đến đây không mua hàng. Họ đến để ngắm nhìn chính những sản phẩm do mình làm ra, để uống bát rượu thóc do tay mình nấu, để gặp bạn bè.
Chị Giày Thị Dở (22 tuổi) dân tộc Mông địu con mới được gần 1 tuổi xuống chợ chơi. Chị chia sẻ: “Nhà mình ở xã La Pán Tẩn, mình bắt xe khách xuống thị trấn để chơi chợ phiên. Mình không mua đồ đâu. Chỉ đi chơi vậy thôi!”.
Người dân địa phương xuống chợ không mua đồ mà để chơi chợ. Nhưng khách du lịch đã đi chợ phiên là phải mua đồ, phải vào hàng uống bát rượu thóc hay rượu nếp cẩm.
Anh Quang Anh (Hà Nội) cho biết: Tôi rất ấn tượng với những chiếc túi đựng điện thoại di động được dệt bằng thổ cẩm ở chợ phiên nên đã quyết định mua vài cái về làm quà tặng bạn bè, người thân.
Góc cuối chợ phiên, nơi bán rượu thóc của xã La Pán Tẩn có lẽ là nơi hút khách du lịch nhất. Từ sáng sớm đến trưa muộn, lúc nào cũng đông đúc khách du lịch ra vào. Chị Hơ Thị Như (dân tộc Mông) ở xã La Pán Tẩn cho biết: Rượu thóc của xã La Pán Tẩn được làm từ thóc, ủ lên men trong vòng 7 ngày. Rượu có vị nồng ấm, uống một, hai bát, khách đã ngà ngà say.
Say là vậy nhưng ai vào chợ phiên cũng muốn uống thử một bát rượu. Không phải vì ham hơi men mà vì lòng thân thiện mời gọi của bà con dân tộc Tây Bắc. Một du khách lặn lội từ TP Hồ Chí Minh lên Mù Cang Chải để dự lễ hội chia sẻ: Rượu Tây Bắc cũng nồng ấm như tấm lòng của bà con dân tộc nơi đây vậy. Uống một vài bát rượu Tây Bắc để thấy yêu thêm thiên nhiên, con người đất nước mình. Say ở chợ phiên là một cái say rất “thú”!.