Xuân về trên đất Mường Phăng

mua xuan muong phang - Xuân về trên đất Mường Phăng

Đường lên Tây Bắc những ngày này, bầu trời xanh trong và những dải hoa dã quỳ vàng ươm trải dài đón chúng tôi trên hành trình trở lại Điện Biên, nơi tròn 60 năm trước đã ghi dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc trước thực dân Pháp xâm lược.

Với chiếc xe máy và một người bạn địa phương dẫn đường, tôi vào Mường Phăng thăm “rừng Đại tướng” và tìm hiểu về những đổi thay của vùng đất căn cứ Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Trong ký ức, với tôi vùng đất này vẫn luôn sôi động những hình ảnh của một thời hào hùng.

Đường lên Tây Bắc những ngày này, bầu trời xanh trong và những dải hoa dã quỳ vàng ươm trải dài đón chúng tôi trên hành trình trở lại Điện Biên, nơi tròn 60 năm trước đã ghi dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc trước thực dân Pháp xâm lược. Với chiếc xe máy và một người bạn địa phương dẫn đường, tôi vào Mường Phăng thăm “rừng Đại tướng” và tìm hiểu về những đổi thay của vùng đất căn cứ Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Trong ký ức, với tôi vùng đất này vẫn luôn sôi động những hình ảnh của một thời hào hùng.

mua xuan muong phang - Xuân về trên đất Mường Phăng

Chặng đường từ TP Điện Biên Phủ vào xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) không quá dài, chỉ khoảng 35 cây số, nhưng do địa hình dốc ngược, nhiều khúc cua, lại hẹp và gồ ghề, cho nên phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc với những triền núi xanh thẫm phủ đầy mây trắng, những nương lúa, đồi ngô thấp thoáng bên dòng suối nhỏ uốn lượn. Vui vẻ và đầy tự hào, anh bạn người gốc Điện Biên nhiệt tình “thuyết minh” từng quãng một. Nào là trạm thủy điện Thác Bay, Nà Lơi ngày đêm cung cấp điện, điều hòa nước cho cả vùng. Nào là dốc Nà Nhạn với tượng đài Chiến sĩ kéo pháo sừng sững giữa đất trời, tái hiện lại hình ảnh của Chiến dịch Điện Biên Phủ sáu thập kỷ trước. Vẫn còn đây những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Đồi chuối”, những tuyến đường huyết mạch mà quân dân ta đã vận chuyển những khẩu pháo nặng hai đến ba tấn bằng cách thức thô sơ mà kiên cường nhất, điều đã khiến cho đội quân lê dương tinh nhuệ phía bên kia phải kinh hoàng và nể phục. Từ đây, những khẩu pháo được bí mật kéo qua Mường Phăng, rồi ngạo nghễ ghếch nòng lên các sườn núi Bó Hoáng, đĩnh đạc dội lửa xuống đầu đội quân của tướng Đờ Cát-xtơ-ri năm nào…

Những ngày này, ở khắp mọi nơi trên đất Điện Biên, nhân dân nô nức thi đua lao động sản xuất, xây dựng những công trình mới, làm đẹp những công trình cũ, chăng biểu ngữ, cờ hoa hướng tới ngày hội lớn kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đang đến gần. Tiếp chúng tôi trong một căn phòng tạm, do trụ sở UBND xã đang được sửa sang mở rộng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng Cầm Văn Thịnh cho biết: “Mới đây, sau khi được chia tách thành hai đơn vị hành chính là xã Mường Phăng và xã Pa Khoang thì xã Mường Phăng hiện nay còn lại diện tích hơn 3.400 ha, dân số gần 4.800 người, gồm ba dân tộc Kinh, Thái, Mông, trong đó người Thái chiếm khoảng 80%. Với địa hình rừng núi hiểm trở, bị chia cắt, ít đất canh tác, cho nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, song đã và đang được cải thiện từng ngày. Theo Quyết định của UBND tỉnh, xã Mường Phăng được chọn là một trong những xã Dự án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Với khoảng 200 ha đất nương, hoa màu và 600 ha trồng lúa hai vụ mỗi năm, năng suất trung bình hơn 400 kg thóc/người, dân bản giờ đây hầu hết đủ ăn, tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể. Mặt khác, không chỉ tập trung vào sản xuất giống gạo ngon, được giá, mà người dân địa phương còn có nhiều cơ hội phát triển từ các dự án khác như nuôi thả cá, trồng hoa cảnh…”. Đó là những tín hiệu đáng mừng thật sự làm ấm lòng chúng tôi cũng như những người yêu mến và tâm huyết với mảnh đất từng là chiến trường xưa này.

Dẫn chúng tôi đi thăm “rừng Đại tướng” và “hồ Đại tướng” lừng danh là anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng tổ quản lý và bảo vệ Khu di tích Mường Phăng. Những cái tên trong không gian khu di tích thể hiện sự yêu mến và kính trọng mà người dân nơi đây đặt cho hai địa danh gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh tài ba, đức độ của dân tộc. Hơn 200 ha rừng rậm rạp, xanh um với những gốc dẻ, cây dổi, ké, khẻ mu… vươn cao kiêu hãnh một vùng trời, từng chở che cho bao cán bộ, chiến sĩ ta trong những tháng ngày kháng chiến “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non” (thơ Tố Hữu). Trên con đường mòn nhỏ xíu chạy ngoằn ngoèo dẫn vào Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, không chỉ được tận hưởng không khí mát lành, ta còn được thưởng thức tiếng chim hót líu lo và âm thanh trong trẻo của những lạch nước róc rách chảy quanh. Khu rừng này được người dân bản địa gìn giữ như một “báu vật” bao đời nay, không hề xâm phạm dù dưới tán rừng kia là nhiều loại cây gỗ có giá trị. “Người dân tộc Thái quý rừng Đại tướng lắm, không ai phá đâu, chỉ đi vào rừng lấy nấm, hạt dẻ, mật ong và tìm cây thuốc thôi”, chị Cà Thị Muôn, một người bán đồ lưu niệm ven đường trong Khu di tích, vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt nhóm lửa nướng cơm lam cho chúng tôi. Chị cho biết, chị cùng con gái và năm, sáu người phụ nữ dân tộc Thái khác đều sống ở bản Phăng gần đây, chủ yếu là làm lúa, những lúc nông nhàn thì mọi người kiếm thêm thu nhập bằng cách bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, từ những chiếc khăn thổ cẩm nhiều mầu, những chiếc vòng bạc nhỏ xinh, cho đến những giò phong lan, mật ong hay thảo dược. Dưới tán “rừng Đại tướng”, bên đống lửa ấm áp, trong hương vị thơm ngon ngào ngạt của loại gạo nổi tiếng xứ này, chúng tôi được hòa mình vào bao câu chuyện sống động. Thật thú vị là không chỉ các chị mà ngay cả đám trẻ con vây quanh chúng tôi, em nào cũng biết ít nhiều những câu chuyện lịch sử, biết “ông nội đánh giặc”, biết ngày xưa bộ đội mình đuổi giặc Pháp ra sao, biết ngày nay dân ta coi trọng rừng Mường Phăng thế nào…

Và sẽ là thiếu sót nếu đến Mường Phăng mà không qua hồ Loọng Luông 1, tức “hồ Đại tướng” hay “hồ Cụ Giáp” – vốn là công trình mà sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thiết tha đề nghị chính quyền thực hiện để giúp cho nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Trong ánh nắng vàng, mặt hồ rộng 13 ha lấp lánh phản chiếu một mầu xanh tươi, rực rỡ, mầu của ấm no. Quả vậy, theo anh Hoàng thì từ khi được khánh thành, hồ nước đã mang lại lợi ích cho hàng nghìn người, dẫn nước đi khắp các cánh đồng ở Mường Phăng. Không chỉ phục vụ sản xuất tưới tiêu, hiện nay hồ còn được Dự án phát triển nông thôn Dai-ni-da của Đan Mạch hỗ trợ để nuôi các loại cá nước ngọt, với triển vọng từ 72.000 con cá giống đã được thả sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho người dân trong phát triển kinh tế, đồng thời góp phần xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu.

Vẫn đậm đà bản sắc

Bên cạnh những bước chuyển mình về đời sống kinh tế, an sinh xã hội, thì những nét văn hóa độc đáo của Mường Phăng cũng dễ làm say lòng và níu chân du khách. Nhiều năm trôi qua, Mường Phăng vẫn là cái tên đầy tự hào trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt Nam. Thực tế cho thấy, với việc “sở hữu” di tích lịch sử cấp quốc gia là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, “hồ trên núi” Pá Khoang và nhiều truyền thống văn hóa làng bản cũng như nghệ thuật dân tộc còn nguyên vẹn, xã Mường Phăng có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác thế mạnh du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng Lò Văn Biên cho biết: “Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được xã Mường Phăng triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã có chín thôn, bản và hơn 900 hộ gia đình đạt thôn, bản, gia đình văn hóa. Mường Phăng đã khôi phục được một số lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như lễ hội xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian như tung còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy… Đồng thời, đã thành lập được các đội văn nghệ tại khu dân cư, thôn, bản, đặc biệt là tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc”.

Một trong những điểm sáng văn hóa tại Mường Phăng có thể kể đến là bản Che Căn, một trong 20 bản văn hóa truyền thống của cả nước, được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, kết hợp với vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh và nguồn xã hội hóa (nhân dân đóng góp ngày công lao động). Trong bản, đường đi lối lại sạch sẽ, thoáng đãng, những nếp nhà sàn rêu phong với những bộ khau cút truyền thống đâm thẳng lên trời như để nhắc nhở các thế hệ con cháu câu chuyện thiên di của dòng tộc, tổ tiên. Dự án “Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái” được thực hiện trong khoảng bốn năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả không nhỏ khi gìn giữ và tôn tạo được mười ngôi nhà truyền thống có kiến trúc cổ của người dân tộc Thái; bảo tồn nghề thủ công như nghề đan lát, dệt, nghề rèn, đúc, nghề mộc; nghề nấu rượu và hỗ trợ bảo tồn các mẫu hoa văn cổ trên trang phục của người Thái. Trưởng bản Lò Văn Yêng cho biết: “Vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống hiện nay của bản nói riêng cũng như của cả tỉnh Điện Biên nói chung đang gặp nhiều khó khăn do người dân thường mua trang phục may sẵn giá rẻ, và rất ít khi sử dụng trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết. Vì thế, việc khôi phục, duy trì và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái đen là việc làm cần thiết và ý nghĩa”. Đội văn nghệ bản Che Căn gồm 40 thành viên, đã tổ chức phục dựng được nhiều tiết mục văn nghệ với những bài dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ đậm đà bản sắc dân tộc Thái, tạo ấn tượng tốt đẹp với nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến đây.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, năm 2013 có khoảng hơn 370 nghìn lượt khách du lịch đến Điện Biên, trong đó có 65 nghìn lượt khách quốc tế. Phần lớn lượng khách tham quan đã đến đây đều tìm đến Mường Phăng. Nhằm tạo nên một quần thể danh thắng – di tích lịch sử hấp dẫn du khách, bên cạnh điểm nhấn là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên, các cấp chính quyền cũng đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang và một số bản văn hóa du lịch cộng đồng khác đang dần hình thành như bản Che Phai, bản Phăng, bản Yên… Và nếu như con đường từ TP Điện Biên Phủ đến với Khu di tích Mường Phăng được tu sửa, nâng cấp; đội ngũ hướng dẫn viên được nâng cao trình độ, năng lực và một số dịch vụ phục vụ khách du lịch được tổ chức có quy mô hơn thì chắc chắn Mường Phăng sẽ còn được tiếp đón nhiều khách du lịch hơn nữa, hứa hẹn đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhân dân nơi đây và cho tỉnh nhà.

Rời Mường Phăng sau hai ngày sống trong bản làng tươi đẹp, giữa những ký ức và truyền thống hào hùng, chúng tôi vẫn còn vấn vương, tiếc nuối nhưng cũng tràn trề hy vọng về một ngày trở lại không xa. Mường Phăng! Hai tiếng mộc mạc mà đầy tự hào ấy sẽ còn theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc mãi về sau. Mà đâu phải chỉ là biểu tượng của chiến thắng, đó còn là một mảnh đất giàu văn hóa, giàu tình người.

Bài viết liên quan

Xem thêm:  Những sản vật rừng Tây Bắc “hút“ người miền xuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *